Thanh khoản trên thị trường dầu đã khả quan hơn, với lực mua gia tăng trong bối cảnh lo ngại nguồn cung suy giảm và nhu cầu cải thiện khi Mỹ bước vào mùa di chuyển cao điểm. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán nâng trần nợ công của Mỹ vẫn chưa đi tới thoả thuận, vẫn đang là rào cản tâm lý cho thị trường. Yếu tố vĩ mô vẫn đang có tác động đáng kể tới xu hướng giá dầu.
Sự bế tắc trong các cuộc đàm phán trần nợ đang làm tăng thêm lo ngại vỡ nợ đối với một số tín phiếu kho bạc sắp đáo hạn. Ngoài ra, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ 2 năm, 10 năm liên tục tăng và đang đạt mức cao nhất kể từ tháng 3 năm nay khi các nhà đầu tư bán tháo trái phiếu. Nhu cầu nắm giữ tiền mặt cũng tăng cao hơn, với đồng USD mạnh nhất kể từ giữa tháng 3. Trong khi khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư cũng giảm bớt. Điều này vẫn sẽ tạo ra áp lực cho thị trường dầu.
Nhu cầu khả quan hơn khi Mỹ bước vào mùa tiêu thụ cao điểm sẽ hạn chế đà suy yếu mạnh của giá dầu, nhất là khi tồn kho xăng của nước này đang ở mức thấp nhất so với cùng kỳ các năm kể từ 2014.
Tuy nhiên, dự báo của Ngân hàng UBS cho rằng nhu cầu nhiên liệu tại Mỹ sẽ gia tăng trong kỳ hè này, nhưng giá xăng sẽ thấp hơn mức giá trung bình 4,34 USD/gallon kể từ Ngày Tưởng niệm (29/05) vào năm 2022.
Trong hôm nay, Mỹ sẽ công bố số liệu hiệu chỉnh GDP quý I. Số liệu sơ bộ lần trước cho thấy mức tăng trưởng 1,1% so với quý IV năm ngoái, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng tăng 2%. Nếu như con số điều chỉnh tích cực hơn, giá dầu có thể sẽ nhận được động lực tiếp tục đà phục hồi. Ngược lại, nếu con số tăng trưởng thấp hơn, giá dầu sẽ gặp áp lực.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)