Yếu tố dẫn dắt thị trường hiện tại vẫn là các tin tức xoay quanh vấn đề nâng trần nợ công của Mỹ. Mặc dù tâm lý thị trường phần nào được củng cố sau khi Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã đạt được thỏa thuận tăng trần nợ và giới hạn chi tiêu.
Tuy nhiên, thỏa thuận vẫn đang chờ để được Hạ viện của Đảng Cộng hòa và Thượng viện của Đảng Dân chủ thông qua. Hơn nữa, mặc dù thỏa thuận có thể ngăn được khủng hoảng vỡ nợ nghiêm trọng, tuy nhiên việc đặt ra giới hạn chi tiêu có thể tạo thêm sức ép cho nền kinh tế Mỹ.
Chi tiêu Chính phủ có đóng góp gần 30% vào tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ. Do đó, nếu dự luật hạn chế chi tiêu bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/10 được thông qua, điều này có thể làm giảm 0,5% (YoY) trong tổng GDP của quý III và quý IV năm nay.
Thêm vào đó, khảo sát của Bloomberg chỉ ra khả năng Mỹ xảy ra suy thoái trong năm nay đã tăng lên 65%. Do đó, việc thông qua dự luật giới hạn chi tiêu có thể làm nghiêm trọng thêm nỗi lo suy thoái tại Mỹ. Với vai trò là thước đo sức khỏe của nền kinh tế, triển vọng tiêu thụ đồng ngày càng trở nên kém sắc, khiến giá có thể tiếp tục chịu sức ép.
Về phía Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ đồng hàng đầu, thị trường ngày càng mất niềm tin vào kỳ vọng phục hồi của nền kinh tế nước này. Ngoài những khó khăn trong việc duy trì đà tăng trưởng, Trung Quốc còn đang phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp rất cao. Theo dữ liệu chính thức từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 24 đạt mức 20,4%, gấp 4 lần so với tỷ lệ thất nghiệp ở người trong độ tuổi lao động nói chung.
Hoạt động kinh tế thu hẹp trong khi tình trạng thiếu việc làm tăng cao đang đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc và khiến cho triển vọng tiêu thụ các mặt hàng kim loại công nghiệp ngày càng kém sắc. Do đó, dự báo giá đồng có thể tiếp tục giảm trong phiên hôm nay.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)